U LYMPHO HODGKIN

[ad_1]


Hệ bạch huyết

Có hai loại u lympho:

  • U lympho Hodgkin (được đặt theo tên của bác sĩ Thomas Hodgkin, người đầu tiên tìm ra bệnh này)
  • U lympho không Hodgkin

Những loại u lympho này không được điều trị giống nhau. Hãy hỏi bác sĩ để biết bạn mắc loại u lympho nào.

Hệ thống bạch huyết và tế bào lympho

Hệ bạch huyết, hay còn gọi là hệ thống bạch huyết, là một phần của hệ thống miễn dịch. (Hệ thống miễn dịch là cách cơ thể chống lại vi trùng và một số bệnh.) Hệ bạch huyết là mạng lưới các hạch bạch huyết và một số bộ phận cơ thể, như lá lách, amidan và tuyến ức. Các bộ phận của hệ bạch huyết được nối với nhau bằng các mạch bạch huyết dạng ống.

Các hạch bạch huyết là những túi nhỏ hình hạt đậu trên khắp cơ thể giúp làm sạch vi trùng và chất thải tế bào ra khỏi cơ thể. U lympho Hodgkin thường khởi phát ở các hạch bạch huyết, có thể ở bất cứ đâu trong cơ thể. Các hạch bạch huyết được tạo thành chủ yếu từ các tế bào lympho, là một loại tế bào bạch cầu. Các loại tế bào lympho chính gồm tế bào lympho B (tế bào B) và tế bào lympho T (tế bào T). U lympho Hodgkin hầu như luôn khởi phát từ các tế bào lympho B.

Có một số loại u lympho Hodgkin. Loại u lympho Hodgkin có thể ảnh hưởng việc lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu. Bác sĩ có thể cho bạn biết về loại u lympho Hodgkin bạn mắc phải.

Bệnh Hodgkin có thể gây ra triệu chứng như:

  • Có khối u cục nổi lên dưới da (do hạch bạch huyết sưng) không biến mất
  • Sốt
  • Ra mồ hôi nhiều về đêm
  • Giảm cân không chủ ý
  • Rất ngứa

Cần đi khám bệnh nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số này.

 

Hạch cổ to bất thường trong bệnh Hodgkin.
Nguồn: http://www.natural-health-news.com/hodgkins-lymphoma-hodgkins-disease/

Bác sĩ sẽ hỏi bạn về sức khỏe của bạn và khám bệnh. Bác sĩ sẽ sờ nắn các hạch bạch huyết và các bộ phận khác của cơ thể có thể bị ảnh hưởng. Nếu các dấu hiệu chỉ ra bệnh Hodgkin, nhiều xét nghiệm sẽ được thực hiện. Một số xét nghiệm bạn có thể cần làm:

Sinh thiết: Trong xét nghiệm này, bác sĩ sẽ lấy ra một hạch bạch huyết hoặc một ít mô để kiểm tra tế bào ung thư. Thủ thuật này thường được thực hiện trong bệnh viện dưới gây tê tại chỗ. Trong thủ thuật này, bạn tỉnh táo nhưng vùng xung quanh hạch bạch huyết bị tê, mất cảm giác. Bạn cũng có thể được dùng thuốc mê.

Sinh thiết là cách duy nhất để biết chắc chắn liệu bạn có mắc bệnh Hodgkin hay không. Có nhiều loại sinh thiết. Hãy hỏi bác sĩ của bạn loại bạn sẽ cần làm. Mỗi loại đều có ưu và nhược điểm. Việc lựa chọn loại nào để làm phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Xét nghiệm máu: Một số xét nghiệm máu có thể cho bác sĩ biết thêm về mức độ của các loại tế bào và chất hóa học khác nhau trong máu của bạn.

Chọc hút và sinh thiết tủy xương: Nếu bệnh Hodgkin đã được phát hiện, đôi khi các xét nghiệm này được thực hiện để biết liệu bệnh đã thâm nhập tủy xương (là phần mềm, bên trong của một số xương) hay chưa. Bác sĩ sử dụng kim mỏng, rỗng để lấy ra một ít tủy xương, thường từ xương chậu. Khu vực xung quanh xương được gây tê và bạn có thể được cho dùng thuốc gây mê trong thủ thuật. Các mẫu được gửi đến phòng thí nghiệm để xem liệu có tế bào Hodgkin trong tủy xương hay không.

X-quang ngực: Chụp X-quang có thể được thực hiện để tìm các hạch bạch huyết sưng to ở ngực.

Chụp CT: Còn được gọi là chụp CAT. Đó là một loại chụp X-quang tạo những hình ảnh chi tiết để tìm các hạch bạch huyết sưng to hoặc các bộ phận cơ thể khác.

Chụp MRI: MRI có thể được sử dụng để kiểm tra tủy sống và não nếu bác sĩ nghi bệnh Hodgkin có thể đã lan đến đó.

Chụp PET: Xét nghiệm này có thể giúp chỉ ra nơi bệnh Hodgkin đã lan rộng.

Bệnh của tôi nghiêm trọng đến đâu?

Nếu bạn mắc bệnh Hodgkin, bác sĩ sẽ muốn tìm xem bệnh đã lan rộng bao xa. Điều này được gọi là đánh giá giai đoạn. Bác sĩ cần biết giai đoạn bệnh Hodgkin của bạn để giúp quyết định phương pháp điều trị nào là tốt nhất cho bạn. Giai đoạn mô tả vị trí và mức độ bệnh Hodgkin đã lan rộng trong cơ thể bạn. 

Bệnh Hodgkin có những giai đoạn 1, 2, 3 hoặc 4. Con số càng thấp, ung thư càng ít lan rộng. Con số cao hơn có nghĩa ung thư hạch đã nặng hơn và đã lan rộng hơn.

Phương pháp điều trị
Hầu hết những người mắc bệnh Hodgkin sẽ được hóa trị cùng với xạ trị. Kế hoạch điều trị tốt nhất cho bạn sẽ phụ thuộc vào:

  • Loại và giai đoạn bệnh Hodgkin
  • Khả năng một phương pháp điều trị sẽ chữa khỏi bệnh hoặc giúp ích theo một cách nào đó
  • Tuổi và tình trạng sức khỏe của bạn
  • Cảm nhận của bạn về việc điều trị và các phản ứng phụ đi kèm với điều trị

Hóa trị
Hóa trị là từ viết tắt của liệu pháp hóa trị – việc sử dụng thuốc để diệt ung thư. Các loại thuốc có thể được truyền vào tĩnh mạch hoặc uống dưới dạng thuốc viên. Những loại thuốc này đi vào máu và lan truyền khắp cơ thể. Hóa trị được đưa ra theo chu kỳ hoặc đợt. Sau mỗi đợt điều trị là thời gian nghỉ ngơi. Hầu hết các trường hợp, 4 loại thuốc hóa trị trở lên được sử dụng. Điều trị thường kéo dài nhiều tháng.

Hóa trị có thể có nhiều tác dụng phụ, như:

  • Rụng tóc
  • Loét miệng
  • Chán ăn
  • Tiêu chảy
  • Đau bụng và nôn mửa
  • Nhiễm trùng
  • Nổi vết xanh đen và dễ chảy máu
  • Cảm giác mệt mỏi

Những vấn đề này có xu hướng biến mất sau khi điều trị kết thúc. Có nhiều cách để điều trị hầu hết các tác dụng phụ của hóa trị. Nếu bạn gặp tác dụng phụ, hãy nói chuyện với nhóm chăm sóc ung thư để họ có thể giúp đỡ.

Xạ trị
Xạ trị sử dụng tia năng lượng cao (như tia X) để tiêu diệt tế bào ung thư. Trong một số trường hợp, xạ trị được thực hiện cùng với hóa trị. Đối với bệnh Hodgkin, bức xạ nhằm vào khối ung thư từ một cỗ máy bên ngoài cơ thể. Phương pháp này được gọi là xạ ngoài. Xạ trị hoạt động tốt hơn khi ung thư hạch chỉ ở một bộ phận của cơ thể. Hãy hỏi bác sĩ của bạn nếu tia xạ là một phần của kế hoạch điều trị của bạn.

Các tác dụng phụ của xạ trị
Nếu bác sĩ chỉ định cho bạn điều trị xạ trị, hãy hỏi về những tác dụng phụ có thể xảy ra. Tác dụng phụ phụ thuộc vào phần cơ thể được chiếu xạ. Các tác dụng phụ phổ biến nhất của xạ trị:

  • Thay đổi trên vùng da xạ trị, chẳng hạn như mẩn đỏ hoặc nổi mụn nước
  • Cảm thấy rất mệt mỏi

Hầu hết các tác dụng phụ sẽ giảm đi sau khi kết thúc điều trị. Nhưng một số tác dụng phụ có thể kéo dài hơn hoặc có thể không xuất hiện trong những năm tiếp theo. Hãy nói chuyện với nhóm chăm sóc ung thư của bạn về những gì có thể xảy ra.

Ghép tế bào gốc
Ghép tế bào gốc (SCT) cho phép các bác sĩ sử dụng liều hóa trị rất cao để tiêu diệt tế bào Hodgkin. Liều cao của các loại thuốc này sẽ phá hủy tủy xương, nơi tạo ra các tế bào máu mới. Mặc dù các loại thuốc phá hủy tủy xương, các tế bào gốc được đưa vào sau khi hóa trị có thể phục hồi các tế bào tủy xương có chức năng tạo tế bào máu. Có nhiều loại SCT khác nhau, mỗi loại có thể có các tác dụng phụ xấu. Hãy hỏi bác sĩ của bạn loại bạn sẽ điều trị và những gì có thể xảy ra.

Kháng thể đơn dòng
Kháng thể đơn dòng là các loại protein của hệ thống miễn dịch (kháng thể) nhân tạo được đưa vào tĩnh mạch. Khi vào máu, những kháng thể này có thể gắn vào một vị trí nhất định trên tế bào Hodgkin. Điều này giúp tiêu diệt các tế bào.

Những loại thuốc này có thể được dùng đơn độc hoặc cùng với hóa trị. Có nhiều loại kháng thể đơn dòng khác nhau. Mỗi loại có thể gây ra các tác dụng phụ khác nhau, vì vậy hãy hỏi bác sĩ về những gì có thể xảy ra.

Thử nghiệm lâm sàng
Những thử nghiệm lâm sàng là các nghiên cứu thử nghiệm các loại thuốc mới hoặc các phương pháp điều trị khác ở người. Các thử nghiệm lâm sàng so sánh những phương pháp điều trị tiêu chuẩn với những phương pháp khác có thể tốt hơn.Thử nghiệm lâm sàng là cách tốt nhất để các bác sĩ tìm ra những cách tốt hơn để điều trị ung thư. Nếu bác sĩ của bạn có thể tìm thấy một thử nghiệm đang nghiên cứu loại ung thư bạn mắc phải, việc bạn có tham gia hay không tùy thuộc vào bạn. Và nếu bạn đăng ký thử nghiệm lâm sàng, bạn luôn có thể dừng lại bất cứ lúc nào.

Các phương pháp điều trị khác mà tôi nghe nói thì sao?
Khi bạn mắc ung thư, bạn có thể nghe về những cách khác để điều trị ung thư hoặc điều trị các triệu chứng của mình. Những phương pháp này không phải lúc nào cũng là phương pháp điều trị y tế tiêu chuẩn. Những phương pháp điều trị này có thể là vitamin, thảo dược, chế độ ăn kiêng đặc biệt và những thứ khác. Một số phương pháp được biết có hữu ích, nhưng nhiều phương pháp chưa được thử nghiệm. Một số đã được chứng minh không có lợi. Một số thậm chí là có hại. Hãy hỏi bác sĩ của bạn về bất cứ thứ gì bạn đang nghĩ đến việc sử dụng, cho dù đó là vitamin, chế độ ăn kiêng hay bất cứ thứ gì khác.

Điều gì xảy ra sau khi điều trị?
Ngay cả khi bạn đã điều trị xong, các bác sĩ vẫn muốn theo dõi bạn chặt chẽ. Tái khám đầy đủ và đúng hẹn là rất quan trọng. Việc theo dõi sẽ cần thiết trong nhiều năm sau khi điều trị bệnh Hodgkin.

Trong những lần tái khám, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, thăm khám và có thể yêu cầu xét nghiệm máu hoặc chụp chiếu bên trong cơ thể bạn như chụp CT hoặc PET. Hầu hết mọi người cần đến bác sĩ và xét nghiệm vài tháng một lần trong vài năm đầu sau khi điều trị. Sau đó, thời gian không bị tái phát càng lâu, càng ít phải đi khám lại.

Nguồn: Dịch từ www.cancer.org Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ

Đường dẫn: https://www.cancer.org/cancer/types/hodgkin-lymphoma/if-you-have-hodgkin-lymphoma.html

Biên dịch: Bs. Nguyễn Thành Hiếu, Khoa Nội 2, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội

Hiệu đính: Ths. Bs. Nguyễn Thanh Hằng – Phòng HTQT&NCKH

 

[ad_2]
Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *